Thư gửi Krishnamurti

Krishnamurti thương mến,
Nhờ một mối duyên lành, tôi được một người bạn quý tặng cho cuốn “Nhật ký cuối cùng” của ông trong những ngày lưu lại Đà Nẵng. Đây thật là một cuốn sách dịu dàng, hết sức dịu dàng. Đọc nó tôi cảm thấy như thể được chuyện trò với ông ở một nơi thanh tịnh, yên ả, trong không khí dịu mát và làn gió đưa hương ngọt của mùa xuân. Tôi xiết bao yêu mến cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, chậm rãi, sâu lắng, về những vấn đề cốt tuỷ của đời sống này.
Trong những ngày tuổi trẻ quày quả đi tìm một con đường trưởng thành, tôi đã gặp ông và Osho cùng một lúc. Nóng rực như một bầu lửa, Osho, và sau này là Zorba, Henry Miller, Phạm Công Thiện… đã thu hút và kích hoạt năng lượng của tôi. Còn ông? Ông quá chậm rãi và đôi khi nhạt nhẽo. Tôi chỉ ấn tượng duy nhất với việc giải tán giáo phái Ngôi Sao của ông, ngay sau khi nhậm chức lãnh đạo. Còn lại thì quả thực là chẳng đọng lại gì mấy. Ấy thế mà bây giờ, ở đây, tôi lại đang nhấm nháp sự chậm rãi của cuộc trò chuyện này với một niềm vui thích dịu dàng. Tôi già mẹ nó rồi, ông ạ.
Trước tiên, xin được nói ngay, tôi rất mê cách ông tả cảnh thiên nhiên trong cuốn này. Tôi cảm nhận rõ ràng tình yêu dịu dàng và sâu sắc của ông đối với thiên nhiên, với vẻ đẹp thuần tịnh thiêng liêng của vũ trụ. Mở đầu mỗi chương, ông đều quan sát và miêu tả kỹ càng từng nhánh cây, ngọn lá, từng giọt sương, cành hoa, những ngọn đồi và thung lũng, những con sóc, chim cú, chim sâu, rắn, nai, linh miêu, gấu… Tất cả hiện lên thật đẹp đẽ, yên bình, hoà hợp và thân thiết.
Thế nhưng, tiếp theo, đối lập lại, nổi bật lên, bao giờ cũng là một cái gì đó xấu xí của con người. Và đó cũng là chỗ tôi lấn cấn, và muốn trò chuyện nhiều hơn với ông. Trước tiên, ta hãy cùng đọc lại vài đoạn:
  • “Đầu bên kia của thung lũng rất thanh tịnh, nhất là vào buổi sáng êm ả như hôm nay, người ta không hề nghe một tiếng động nào trên đường phố. Các ngọn đồi đều ở sau lưng ta: ngọn núi cao nhất vùng đo được hơn hai ngàn mét. Ngôi nhà được bao bọc bởi vườn cây ăn trái là những cây cam với màu vàng rực rỡ, và hôm nay bầu trời xanh không gợn chút mây. Trong không khí thanh tịnh này, ta nghe tiếng vo ve của đàn ong đang vờn hoa. Sau nhà có cây cổ thụ đặc biệt của xứ Californie, đã bị gió thổi gãy rất nhiều cành khô. Cây đã tồn tại qua bao nhiêu trận bão, bao nhiêu mùa hè oi bức và mùa đông giá buốt. Cây có thể kể cho ta nghe vô số chuyện cổ tích thật hay, ấy thế mà sáng nay trời lặng gió cây lại mặc nhiên. Xung quanh chỉ toàn là một màu xanh, lá cây điểm thêm màu vàng sống động của những trái cam, và hư không nhuốm mùi hoa lài thơm ngát. Thung lũng vắng hẳn tiếng ồn lẫn sự hiếu động của con người, xa cả cái thô kệch của xã hội. Những nụ hoa cam vừa nở tung. Một hay hai tuần nữa, hương thơm của chúng và tiếng thì thầm của hàng ngàn con ong sẽ xâm chiếm thung lũng. Buổi sáng hôm nay thật thanh tịnh, nhưng ở đằng xa kia có một thế giới bệnh hoạn luôn sống trong hiểm nguy và trong sự đổ vỡ lớn lao.”
  • “Trên đầu mỗi ngọn lá to hay nhỏ vừa được mưa gội sạch đều có một giọt nước lung linh dưới nắng mai, một viên ngọc tuyệt vời mà làn gió thoảng không sao thổi đi được. Sáng hôm ấy trời thật êm, thật vui, thật an lành với bầu không khí đầy ân sủng. Hãy ngắm nhìn cái long lanh lơ lửng trên đầu ngọn lá tươi mươi, trái đất mới đẹp làm sao mặc dù những sợi dây điện treo trên những cây cột trông thật gớm ghiếc.”
  • “Ta hãy ngồi xuống đây, im lặng, xa cách hẳn mọi sự, để ngắm nhìn bầu trời, để cảm nhận mùi đất trọn vẹn và cái thuần tịnh mỹ miều của tất cả những gì đang sống và đang máy động mà không có con người xen vào. Con người cứ như thế mãi từ bao nhiêu thế kỷ nay, và vẫn cứ thế ngày nay, ngày mai, ngày mốt. Tương lai của họ cũng vẫn là như thế, trừ phi có một cuộc cách mạng tâm linh thật sâu sắc và vững chãi.”
Ồ hoá ra con người minh triết và tràn đầy tình yêu thương bên trong ông vẫn còn muốn làm cách mạng. Có một điều gì đó hơi hụt hẫng trong lòng tôi. Có gì đó thiếu thiếu, sai sai. Và lời của ông dù đẹp đến đâu cũng trở thành nhạt nhẽo.
Ông nói nhiều đến sự giới hạn của tư tưởng con người, nhưng nỗi khó chịu của ông chẳng phải là một sự giới hạn sao? Ông nói tư tưởng tạo ra ảo ảnh, nhưng cuộc cách mạng tâm linh của ông, thế giới nơi chiến tranh hoàn toàn chấm dứt mà ông đang mơ tưởng đến, chẳng phải là một ảo ảnh sao? Với trí tuệ của mình, sao ông chưa chạm đến việc đơn giản chấp nhận rằng con người là một phần của tự nhiên, và mọi điều nó tạo ra, dù đẹp/xấu thế nào, đều là sắp đặt của tự nhiên? Làm sao ông có thể cảm nhận trái đất này toàn vẹn khi không có con người xen vào? Ông nói nhiều về tâm phân biệt, nhưng chẳng phải ông đang phân biệt rất mạnh mẽ hay sao?
Nghĩ đến đây, tôi lại nhớ một bậc thầy minh triết khác, người được coi là một trong những ngọn hải đăng tâm linh của nhân loại, Kahlil Gibran. Cũng như ông, Gibran bày tỏ nỗi chán ghét văn minh của loài người. Ông ấy đặc biệt căm thù máy bay, coi chúng như là sự xâm lăng bầu trời và là sự xúc phạm đối với những điều thiêng liêng cao cả.
Tôi có thể thông cảm rằng, vì các ông quá yêu cái đẹp nên căm thù cái xấu. Nhưng chẳng phải như vậy là rất tầm thường sao? Chẳng phải vì ai cũng đang vì bảo vệ cái đẹp của riêng mình và căm thù cái xấu của người khác mà xông vào giết nhau sau? Hay là các ông cho rằng cái đẹp/xấu của các ông đã là chuẩn mực của vũ trụ, và mọi người đều phải nghe theo? Trong thế giới hiện đại bây giờ, nếu tôi cũng có tư tưởng như các ông, thì tôi chỉ có thể hoặc là trốn chạy, hoặc là chết. Thế giới ngày nay đã ô nhiễm, đã thoái hoá và đồi truỵ hơn thời của các ông rất nhiều. Máy bay đã bay rợp trời, mặt đất đã bị phá tanh bành, biển cả đã tràn ngập rác rưởi và băng ở các cực đang tan. Nói như Hamvas Bela, nhân loại đang dần chìm sâu vào trong vô thức. Vô thức phá huỷ, chà đạp, nghiền nát. Vô thức lây lan bệnh tật, và được đẩy nhanh tốc độ lan truyền bởi công nghệ. Tất cả những đẹp đẽ mà ông ca ngợi và trân quý đều đang chết. Nếu sống dậy, các ông sẽ làm gì? Trốn lên một ngọn đồi yên tĩnh và nói về việc làm cách mạng? Viết tiếp những tập thơ thương xót tự nhiên và mạt sát con người? Làm ơn đi.
Tôi đồng ý với ông con người thật xấu xí, ngu xuẩn, thô lậu. Nhưng đồng thời với việc kinh tởm con người, chúng ta buộc phải chấp nhận rằng nó có ở đây là có lý do. Loài người là một phần của tự nhiên, nó vốn được lập trình để có trí tuệ và ham muốn, có sức mạnh tột bực và tiềm năng vô song, để hiển lộ tối đa sáng tạo của Điều-Không-Biết-Gọi-Là-Gì-Đành-Gọi-Là-Thượng-Đế. Có sáng tạo nào không có sai lỗi không, ông thân mến? Trong dòng chảy sáng tạo vĩ đại này, nếu có xảy ra sự phá huỷ, thì sự phá huỷ đó cũng đã được tính trước. Trong điệu nhảy vĩnh hằng của thần Shiva, toàn thể vũ trụ đều sinh diệt cùng một lúc. Chúng ta là ai mà chỉ muốn sinh, không muốn diệt, hả ông?
Tôi đồng cảm với ông về mong muốn làm cách mạng. Có lẽ ông căm ghét con người vì quá yêu thương con người. Nhưng nếu nhận thức của ông chỉ dừng ở đó thôi, thì nỗ lực của ông cũng đổ sông đổ biển như mọi tư tưởng hay tôn giáo mà ông vẫn thường chỉ trích là vô nghĩa. Chính ông cũng viết trong chương kế cuối như thế mà: “Cái toàn thể ấy ở ngoài ngọn triều lên xuống của cuộc đời, của tác động và phản ứng. Cái đẹp không có đối lập. Hận thù không phải là cái đối nghịch với tình yêu”.
Ngay chính chỗ này, tôi nhớ Henry Miller tha thiết:

“Mọi thứ mà ta ngoảnh mặt đi, mọi điều mà ta chạy trốn, mọi sự mà ta chối từ, phỉ báng, hay khinh miệt, cuối cùng sẽ quay lại đánh bại ta.”

“Những điều thoạt trông có vẻ gớm ghiếc, đau đớn, hay ác độc, đều có thể trở thành khởi nguồn cho cái Đẹp, của niềm Vui và Sức Mạnh, nếu ta ôm ấp chúng với một tâm trí rộng mở.”

“Mọi khoảnh khắc đều có thể trở thành Hoàng Kim đối với người có đủ khả năng nhận ra nó là như thế.”

Mong rằng ông cũng nhận ra khoảnh khắc Hoàng Kim này, ngay tại đây, bây giờ, nếu ông vẫn còn ở đâu đó quanh đây.
Mến thương ông,

8 comments

  1. Tôi cũng nhờ một mối duyên lành mà đọc sách của Krishnamurti, với tôi đó là những trang sách đẹp và đáng mến. Tôi đọc chúng giữa những năm tháng thanh niên với nhiều điều bức bách không lời, với sự nhấn nhá dai dẳng của đời sống, khi mọi thứ áp lực ùa đến không ngờ tới. Bằng nhìn và cảm nhận, cuộc sống là cả những xấu xa và tươi đẹp chung quanh mà tôi trong một thời điểm nào đó trước đây đã không tự mình nhìn thấy. Có lẽ những điều Krishnamurti nói về cách mạng tâm linh là điều tự nhiên phải bật ra trong tư tưởng của ông bởi dù ông nói rất nhiều gợi mở về bản chất của ham muốn con người nhưng ông cũng ham muốn, ham muốn vô cùng về thế giới tươi đẹp vượt khỏi những xấu xí kia. Và dù sao Krishnamurti cũng luôn nhắc nhở những ai tiếp xúc ông rằng, đừng chấp nhận điều gì ông ấy nói, chỉ tự nhìn vào mình. Lại nhớ trong một bài viết của Nguyễn Công Thiện có tả về J.Krishnamurti như “một kẻ bị đóng đinh giữa cuộc đời” có phải bởi lẽ đó chăng?

  2. Theo quan sát hạn hẹp của mình thì khá ít bạn trẻ biết Krishnamurti. Nếu anh/chị/bạn trung tuổi thì mình rất ấn tượng nhưng nếu còn trẻ thì mình sẽ rất đề cao. Mình không đọc hết của ông nhưng qua một số bài mình đã đọc, mình thấy thú vị vì nó lật ngược lại tất cả những thứ chúng ta vốn đề cao, đề ông nhìn thẳng vào bản chất thật sự của vấn đề, dù nó hơi u tối.

  3. Em xin lỗi vì tư duy non kém chưa hiểu được một số chỗ trong bài nên xin được hỏi các anh chị

    “Những điều thoạt trông có vẻ gớm ghiếc, đau đớn, hay ác độc, đều có thể trở thành khởi nguồn cho cái Đẹp, của niềm Vui và Sức Mạnh, nếu ta ôm ấp chúng với một tâm trí rộng mở.”

    Có ai có thể lấy một ví dụ thực tế minh họa giùm em điểm này không ạ? Em không hiểu rõ ý đoạn này.

    Cám ơn các anh chị rất nhiều 🙂

    1. qua đau khổ người ta mới có ước muốn được hạnh phúc yêu thương. qua đau khổ người ta mới hiểu được nguyên nhân và đi làm những việc tốt lành. qua đau khổ ác độc người ta mới mới biết yêu thương . cuộc đời như 1 trường tiến hoá. có các bài học khổ xấu xa để muôn loài tiến hoá vậy đó em.

    2. @Tran Thu Hang: không khó để nhận thấy những điều như vậy quanh ta. Một phụ nữ rách rưới, bẩn thỉu, hôi hám, cả ngày lê la nhặt nhạnh quanh bãi rác, có thể là một bà mẹ đáng kính đang chắt chiu từng chút để nuôi đứa con đang học đại học. Một thằng choai choai hung dữ, xăm trổ đầy mình, ngày nào đó có thể chính nó đưa cho bạn ổ bánh mì, khi bạn sa cơ lỡ bước, mấy ngày vạ vật bên hè phố không có gì ăn… 🙂

    3. cái này chỉ có tự bản thân mình nhìn nhận ra mà thôi, nó giống như lúc bạn nhìn một người bán vé số và một người làm nhân viên văn phòng, họ không khác nhau, chỉ là biểu hiện của tạo hóa. Thấu hiểu nó bằng cả con tim mới thấy được điều mà bạn thắc mắc, còn hiểu nó thông qua các ý tưởng, suy luận thì nó chỉ là những ảo tưởng về sự thấu hiểu ấy mà thôi.

  4. Bài viết hay lắm, tôi cũng có đôi chút cảm nhận giống bạn khi đọc Krishnamurti. Có đôi chút gì đó thơ ca mà chậm rãi, chút gì đó hơi thiếu sự dứt khoát chứ không phải kiểu lôi cuốn đầy ma lực và rõ ràng như Osho. Nhưng dù sao thì cũng chẳng quan trọng, có thể chiều sâu của ngôn ngữ đã có nhiều sự thay đổi hơn tôi cảm nhận, hoặc có thể tôi có nhiều nhầm lẫn lớn. Tôi thích cả hai con người này. Xét cho cùng thì đời sống thật thú vị biết bao, chúng ta có mặt ở đây để làm cái công việc thật vĩ đại mà cũng thật tầm thường.

Leave a comment